Sức khỏe gia đình Mayo Clinic

Thứ hai - 21/11/2022 18:17
CHƯƠNG 1: SƠ CẤP CỨU
Cấp cứu không thường xuyên diễn ra, nhưng một khi nó xảy ra bạn sẽ không có đủ thời gian để tìm kiếm các thông tin về sơ cứu. Sơ cứu bao gồm sự hiểu biết khi tình huống cấp cứu xảy ra, làm thế nào để cung cấp sự chăm sóc đúng với mức độ về kiến thức và kỹ năng của bạn, làm thế nào để nhận ra những giới hạn của bản thân và yêu cầu sự giúp đỡ khi cần thiết.
Để phản ứng một cách hiệu quả, biết mình cần phải làm gì khi ai đó bị chấn thương, bệnh nặng hoặc buồn lo là hết sức quan trọng. Một ngày nào đó, kỹ năng và kiến thức của bạn sẽ là thứ kéo bệnh nhân về với phần sống giữa ranh giới của sống và chết.
Chương này sẽ cung cấp những thông tin hữu ích về cách phản ứng khi xảy ra các trường hợp cấp cứu khác nhau. Bạn cũng nên cân nhắc về việc tham gia vài khóa học về các kỹ năng cứu người như kỹ thuật Heimlich, hồi sức tim phổi (CPR), cách phản ứng với một cơn nhồi máu cơ tim, đột quỵ hay ngưng tim.

Để tìm kiếm thêm các khóa học về sơ cấp cứu xung quanh, bạn có thể tìm đến những bệnh viện lân cận, hội Chữ Thập Đỏ, văn phòng dịch vụ cấp cứu bang, Hiệp hội Tim Hoa Kỳ.
Triệu chứng thực thể chung của nghẹn
Người bị nghẹn không thể giao tiếp bằng lời nói mà chỉ có thể dùng ngôn ngữ hình thể. Triệu chứng cơ năng là người nghẹn xòe rộng bàn tay và nắm chặt vùng cổ. Nếu họ không biểu hiện triệu chứng này, ta có thể xem xét đến một số dấu chỉ sau:
- Không nói được
- Thở khó và gắng sức, phát ra âm thanh lớn.
- Da, môi, móng trở nên tím tái.
- Mất nhận thức
Nghẹn và kỹ thuật Heimlich
Nguyên nhân của nghẹt là do sự tắt nghẽn đường thở ở cổ họng (thanh quản) và/ hoặc khí quản. Dòng khí đến phổi bị chặn lại. Dẫn đến sự giảm cung cấp máu giàu oxi đến não và các cơ quan. Nếu tình trạng nghẹn không được giải quyết nhanh chóng, nó có thể dẫn đến tử vong.
Nghẹn thường do một mảnh lớn của thức ăn chưa được nhai kỹ rơi vào thanh quản hoặc khí quản. Thịt và các thức ăn ở dạng rắn khác thường là nguyên nhân. Thông thường, vừa ăn một miếng thịt lớn vừa nói chuyện có thể dẫn đến nghẹn. Răng giả có thể làm tăng nguy cơ nghẹn, do nó cản trở sự cảm nhận thức ăn trong miệng đã nhai kỹ hay chưa. Vì răng giả không tạo đủ lực nhai như răng thật nên việc nhai kỹ thức ăn cũng trở nên khó khăn.
Một số nguyên nhân thường gặp của nghẹn:
- Uống quá nhiều rượu ( là chất gây nghiện, rượu làm giảm hoạt động thần kinh kích thích quá trình nhai và cảm nhận độ nhỏ của thức ăn trước khi có thể nuốt).
- Ăn quá nhanh.
- Vừa ăn vừa trò chuyện vội vã.
- Vừa ăn vừa đi bộ, chạy bộ, chơi đùa.
Hoảng loạn thường là biểu hiện đầu tiên của người bị nghẹn, nét mặt thường trở nên sợ hãi và sau đó là chuyển sang tím tái vì anh ta hoặc cô ta không thở được. Nạn nhân có thể thở hổn hển hoặc khò khè.
Những triệu chứng cấp cứu

Nếu bạn gặp phải bất cứ triệu chứng nào sau đây, liên hệ ngay với cấp cứu - 911 là đường dây nóng cấp cứu ở đa số vùng - hoặc đến khoa cấp cứu của bệnh viện gần nhất ngay lập tức:
- Đau đột ngột hoặc đau dữ dội.
- Đau hoặc cảm thấy nặng ở vùng ngực, sau hoặc trên bụng, đó có thể là triệu chứng của một cơn nhồi máu cơ tim.
- Khó thở.
- Chóng mặt đột ngột, đột ngột đau đầu dữ dội hoặc thay đổi về khả năng nhìn và nói.
- Đột ngột yếu chi hoặc liệt một phần
- Nôn mửa, tiêu chảy dữ dội hoặc kéo dài.
- Chảy máu nhiều.
- Cảm giác muốn tự tử hoặc giết ai đó.
Ho và nghẹn
Nếu một mảnh nhỏ thức ăn rơi xuống “nhầm” khí quản thay vì thực quản thì phản xạ ho có thể ngay lập tức giải quyết vấn đề. Thực tế thì một người không bị nghẹn khi họ có thể ho thoải mái và màu sắc da của họ bình thường. Nhưng nếu họ phải hít vào gắng sức trong một khoảng thời gian ngắn trước khi ho hoặc ho không thành tiếng thì nhiều khả năng họ đã bị nghẹn và cần đến sự giúp đỡ ngay lập tức.
Hãy hỏi anh ấy hay cô ấy có bị nghẹn không. Nếu họ trả lời bằng cách gật đầu mà không thể nói, họ dường như đang mắc nghẹn. Nếu họ có thể nói, thì đường thở của họ không bị tắc nghẽn hoàn toàn và oxi vẫn có thể đến được phổi.
Làm thế nào để khai thông đường thở
Trong đa số trường hợp khi nạn nhân có khả năng phản ứng hoặc lớn hơn 1 tuổi, dị vật có thể được lấy ra thông qua việc thực hiện ép bụng, thường được gọi là kỹ thuật Heimlich. 
Nếu chỉ có bạn và nạn nhân, hãy ưu tiên thực hiện ép bụng trước khi gọi 911 hoặc cấp cứu gần đó. Nếu có thêm người khác, nhờ họ gọi trong khi bạn thực hiện sơ cứu.

Đối với người bệnh không có khả năng phản ứng thì cách tốt nhất là lấy dị vật ra khỏi đường thở của họ. Nhưng thường khó thấy dị vật vì nó nằm sâu trong cổ họng.
Nếu bạn có thể thấy được mảnh thức ăn hoặc dị vật nằm ở phần sau của họng hoặc nông phía trên mà có thể tiếp cận được, dùng một ngón tay đưa vào phần sau của họng nạn nhân để lấy dị vật ra. Phải cẩn thận để không đẩy dị vật sâu thêm vào đường thở, đặc biệt dễ xảy ra ở trẻ em. Nếu bạn không thấy dị vật, đừng móc dị vật theo cảm tính.
Thực hiện kỹ thuật Heimlich
Bạn có thể đã từng thấy kỹ thuật này đâu đó trên những bảng hướng dẫn hoặc trên tivi nhưng bạn không biết cách để thực hiện kỹ thuật Heimlich cho một người đang mắc nghẹn thật sự?
Kỹ thuật Heimlich có lẽ là kỹ thuật để khai thông đường thở tốt nhất cho đến hiện tại. Nó nên được thực hiện trên những nạn nhân có tắt nghẽn hoàn toàn hoặc gần hoàn toàn đường thở.
Dấu hiệu của một người đang bị nghẹn và cần giúp đỡ bao gồm: không thể nói, ho không thành tiếng, cố phát ra những âm thanh ú ớ. Mặt chuyển sang xanh, tím hoặc tái mét.
Kỹ Thuật Heimlich

Kỹ thuật Heimlich nên được thực hiện khi một người không thể nói, ho hoặc trao đổi khí hiệu quả.
Thực hiện kỹ thuật Heimlich cho nạn nhân tỉnh táo và từ 1 tuổi trở lên
Đứng phía sau người bị nghẹn và dùng 2 tay ôm lấy phần hông của anh ấy hoặc cô ấy. Nghiên nhẹ nạn nhân về phía trước.
Một tay tạo thành dạng nắm đấm và đặt ở vùng rốn nạn nhân.
Tay còn lại nắm chặt vào nắm đấm đó, dùng một lực mạnh, nhanh và hướng lên trên vào bụng của nạn nhân giống như việc cố gắng nâng bệnh nhân lên khỏi mặt đất. Hành đồng này sẽ làm nâng cơ hoành lên, tăng áp lực trong phổi và đẩy khí ra ngoài.
Tiếp tục động tác cho đến khi dị vật được tống ra hoặc nạn nhân mất ý thức.
Khi đó, ta chuyển sang thực hiện hồi sức tim phổi (CPR) cho nạn nhân.
Tự thực hiện Heimlich
Trong trường hợp bạn chỉ có một mình và bị mắc nghẹn, bạn vẫn có thể tự thực hiện ép bụng để tống dị vật ra ngoài.
Làm một nắm đấm đặt trên rốn với ngón cái chạm vào thành bụng. Nắm chặt nắm đấm với tay còn lại và tựa lên một mặt phẳng cứng - ghế hoặc mặt bàn.
Đẩy mạnh nắm đấm vào trong và hướng lên trên bụng. Tiếp tục cho đến khi dị vật bị tống xuất ra ngoài.
Nếu không có sự giúp đỡ, bạn có thể tự thực hiện kỹ thuật Heimlich.

Thực hiện Heimlich ở phụ nữ mang thai hoặc người béo phì
Bụng của thai phụ hoặc người béo phì có thể làm giảm hiệu quả của những cú ép trong kỹ thuật Heimlich.
Lúc này vị trí tay của bạn sẽ cao hơn so với Heimlich bình thường. Ở phần dưới của xương ức ( mõm mũi kiếm), ngay trên khớp ức sườn thấp nhất.
Quá trình diễn ra như kỹ thuật Heimlich thông thường, cẩn thận và dùng lực mạnh để ép vào vùng ngực của nạn nhân.
Tiếp tục ép ngực cho đến khi dị vật bị tống xuất hoặc khi nạn nhân mất nhận thức. Nếu nạn nhân không còn phản ứng nữa thì thực hiện CPR
Làm sạch đường thở cho một nạn nhân mất nhận thức
Đặt nạn nhân nằm ngửa trên sàn.
Nếu nhìn thấy dị vật nằm ở phần sau của cổ họng thì dùng ngón tay lấy ra, cẩn thận để không đẩy dị vật hoặc thức ăn vào sâu hơn. Nếu không nhìn thấy nguyên nhân của tắc nghẽn, đừng cố dùng tay lấy nó ra. Nếu dị vật vẫn còn trong đường thở và nạn nhân vẫn mất nhận thức, thực hiện CPR. Những cú ép ngực trong CPR có thể tống xuất dị vật ra ngoài.
Làm sạch đường thở của trẻ sơ sinh nhỏ hơn 1 tuổi
Giả định bạn đang ở tư thế ngồi và giữ bé nằm sấp trên cẳng tay của bạn, cẳng tay bạn tựa lên đùi của bạn. Đầu bé nên hạ thấp hơn một chút so với ngực.
Vổ vào lưng bé nhẹ nhàng nhưng dứt khoác vào giữa 2 xương bã vai 5 lần bằng phần gót bàn tay. Sự kết hợp của trọng lực và lực đẩy có thể giúp tống xuất dị vật.
Nếu ấn lưng không thành công. Giữ trẻ ở trên cẳng tay bạn, nằm ngửa và đầu thấp hơn thân. Sử dụng 2 ngón tay đặt lên vùng trung tâm xương ức của trẻ, thực hiện ấn ngực nhanh 5 lần. Ép bụng không được khuyến cáo cho trẻ bé hơn 1 tuổi.
Lập lại chu kỳ 5 ấn lưng, 5 ấn ngực nếu trẻ vẫn chưa thở được. Nếu trẻ không còn phản ứng hoặc bất tỉnh, tiến hành CPR và gọi cấp cứu.
Ấn vào lưng nhẹ nhàng và dứt khoác có thể giúp làm thoáng đường thở của trẻ bị nghẹn.
Hồi sức tim phổi
Hồi sức tim phổi (CPR) là một kỹ thuật cứu mạng hữu dụng trong nhiều trường hợp cấp cứu khi có ngưng tim, chẳng hạn như một cơn nhồi máu cơ tim hoặc chết đuối, khi mà nhịp tim và nhịp thở của nạn nhân đã dừng hẳn.
CPR gồm 2 thành phần: ấn ngực hết hợp với hà hơi thổi ngạt. Tuy nhiên, một người ngoài cuộc như bạn làm gì trong trường hợp cấp cứu đó phụ thuộc vào sự hiểu biết và sự tự tin của bạn.
Và điều quan trọng nhất là làm gì đó vẫn tốt hơn là không làm gì, cho dù bạn có thể lo sợ rằng kiến thức và khả năng của bạn chưa hoàn thiện 100%. Sự khác nhau giữa việc bạn cố gắng làm một cái gì đó và không làm gì đôi khi là mạng sống của người đó. CPR có thể giúp đưa máu giàu oxi đến não và các cơ quan sống còn khác trong lúc nhân viên y tế kịp đến hiện trường.
Bên dưới là những lời khuyên từ Hiệp hội Tim Hoa Kỳ về việc xử lý thế nào đối với một người lớn cần được CPR. Trong mọi trường hợp, gọi 911 hoặc cấp cứu gần nhất và làm theo hướng dẫn của điều phối viên:
Người không có kiến thức chuyên môn và chưa qua đào tạo
Nếu bạn chưa được đào tạo về CPR, bạn nên thực hiện CPR bằng tay. Nó có nghĩa là ấn ngực không gián đoạn, khoảng 2 lần/ 1 giây cho đến khi nhân viên y tế đến. Bạn không cần hà hơi thôi ngạt. Việc cần làm là cố gắng đẩy mạnh và nhanh.
Người không có kiến thức chuyên môn nhưng đã qua đào tạo
Nếu bạn đã được đào tạo về CPR và cảm thấy tự tin về khả năng của mình, làm theo 1 trong 2 phương pháp: A. Luân phiên giữa 30 lần ấn ngực và 2 lần hà hơi thổi ngạt hoặc B. Chỉ ấn ngực.
Người không có kiến thức chuyên môn, đã qua đào tạo nhưng ít tập luyện
Nếu bạn đã được đào tạo về CPR nhưng bạn không tự tin về việc thực hiện nó, bạn vẫn có thể thực hiện ấn ngực thôi.

Để học CPR một cách chính xác, bạn nên tham gia những khóa học được công nhận về Hỗ trợ cuộc sống cơ bản (Basic Life Support) bao gồm CPR và cách sử dụng máy khử rung ngoài tim tự động (AED).
Những bàn luận ở phần sau sẽ hướng dẫn cho bạn nếu bạn là một người không có kiến thức chuyên môn chưa qua đào tạo hoặc đã qua đạo tạo về CPR trước đó.









 

Tác giả: Hiếu Nguyễn Duy

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi